Hà Nội: Đẩy nhanh tiến độ cấp sổ đỏ nhưng không được nóng vội


17-03-2017 08:59

Xác định những trường hợp còn tồn đọng phần lớn là khó và phức tạp, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn yêu cầu, quá trình triển khai thực hiện cần khẩn trương nhưng không được nóng vội, tránh xảy ra sai sót.

Chiều 16/3, tại buổi giám sát về tình hình cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất tại Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, Phó Chủ tịch thường trực HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn khẳng định, thời gian qua, các cấp, ngành và toàn bộ hệ thống chính trị Thủ đô đã cố gắng đẩy nhanh tiến độ và đạt được những kết quả rất khả quan.

Trong đó, phải kể đến sự vào cuộc rất tích cực, quyết liệt và hiệu quả của Sở Tài nguyên - Môi trường Hà Nội và các quận, huyện, thị xã.

 

Nếu như trước khi có Chỉ thị 09 – CT/TU và Chỉ thị 11/CT - UBND của Thành ủy, UBND thành phố về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy và những nhiệm vụ, giải pháp đẩy nhanh công tác cấp giấy chứng nhận, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ gia đình, cá nhân sau dồn điền đổi thửa, toàn thành phố mới cấp được 29%, đến nay, đã cấp được 96,63%. Đây là sự tăng trưởng đáng kể.

Đặc biệt, lũy kế đến ngày 10/3/2017, thành phố đã cấp được 1.320.861 giấy chứng nhận cho các hộ gia đình, cá nhân trong khu dân cư (đạt 90,46%), còn lại 252.099 thửa chưa cấp; cấp giấy chứng nhận mua nhà tại các dự án phát triển nhà ở cho 146.884 căn hộ (đạt 82,39% trên tổng số căn hộ chủ đầu tư đã bán và bàn giao cho người dân); cấp giấy chứng nhận cho tổ chức đạt 71,32%...

Tuy nhiên, cũng qua thực tế giám sát tại một số quận, huyện trên địa bàn thành phố, Đoàn Giám sát của HĐND thành phố Hà Nội đã chỉ rõ những tồn tại, bất cập và vướng mắc tại một số địa phương, yêu cầu các đơn vị chức năng liên quan phải tập trung tháo gỡ để tiến vào quá trình “chạy nước rút” nhằm hoàn thành chỉ tiêu, kế hoạch của thành phố đề ra.

Theo chỉ đạo của Phó Chủ tịch thường trực HĐND thành phố Hà Nội, trước hết, các đơn vị phải phối hợp điều chỉnh lại số liệu cho chuẩn xác, bởi theo báo cáo, hiện mỗi nơi một khác, không khớp nhau. Trên cơ sở đó, tập trung phân loại các trường hợp chưa cấp giấy chứng nhận để có phương án xử lý, nhất là với các trường hợp có vướng mắc.

Xác định những trường hợp còn tồn đọng phần lớn là khó và phức tạp, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn yêu cầu, quá trình triển khai thực hiện cần khẩn trương nhưng không được nóng vội, tránh xảy ra sai sót, khiếu kiện gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân.

Để phấn đấu cơ bản hoàn thành việc kê khai, đăng ký cấp giấy chứng nhận trước ngày 30/4/2017; rà soát tháo gỡ vướng mắc để hoàn thành cấp giấy chứng nhận (trường hợp đủ điều kiện thì cấp, không đủ điều kiện sẽ lập hồ sơ quản lý) xong trước ngày 30/6/2017, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã kiến nghị, đề xuất UBND thành phố Hà Nội 9 vấn đề trong tâm cần được xem xét, giải quyết.

Trước mắt, thành phố sớm ban hành thay thế các quy định thuộc thẩm quyền được Luật Đất đai 2013 và các Nghị định của Chính phủ giao về cấp giấy chứng nhận theo tinh thần cải cách thủ tục hành chính, gồm Quyết định số 22/2014/QĐ-UBND, Quyết định số 37/2015/QĐ-UBND và Quyết định số 25/2014/QĐ-UBND.

Trong đó, tập trung tháo gỡ các vấn đề về điều chỉnh hạn mức công nhận quyền sử đất, thu hẹp đối tượng thanh tra, cắt giảm thủ tục hành chính (giảm từ 30 ngày xuống còn 14 ngày), bỏ thủ tục quyết định công nhận giấy chứng nhận, tháo gỡ khi chuyển mục đích đất xen kẹt, phân cấp triệt để cho Văn phòng Đăng ký đất đai theo Nghị định 01/2017/NĐ-CP; cấp giấy chứng nhận cho người nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, mua nhà ở, công trình xây dựng trong dự án phát triển nhà ở ngay từ thời điểm chủ đầu tư ký hợp đồng mua bán nhà cho người mua (không cần đợi đến sau khi hoàn thành)…

Đặc biệt, để có bản đồ, tài liệu phục vụ công tác kê khai, đăng ký, cấp giấy chứng nhận và quản lý đất đai theo hướng hiện đại, tiên tiến, Sở đề nghị UBND thành phố cho phép Sở tiếp tục thực hiện dự án xây dựng tổng thể hệ thống hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu quản lý đất đai của thành phố Hà Nội.

Với những trường hợp dự án có quyết định thu hồi đất nhưng nhiều năm chưa thực hiện, không có khả năng giải phóng mặt bằng, thành phố giao Sở Quy hoạch – Kiến trúc chủ trì phối hợp với các sở, ngành, UBND các quận huyện rà soát làm thủ tục điều chỉnh quy hoạch tách ranh giới. Từ đó, Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì tổng hợp, trình UBND thành phố điều chỉnh hoặc hủy quyết định thu hồi đất, xét cấp giấy chứng nhận cho hộ gia đình cá nhân đang sử dụng đất.

Bên cạnh đó, Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã rà soát phân loại các khu tập thể cũ chưa bàn giao cho địa phương theo Nghị định 99/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư 19/2016/TT- BXD.

Các trường hợp có bản án thu hồi đất trước ngày 1/7/2014 nhưng đến nay chưa thi hành mà hộ gia đình, cá nhân đó vẫn đang sử dụng ổn định, phù hợp với quy hoạch và không có tranh chấp, khiếu kiện, Sở kiến nghị giao Sở Tư pháp báo cáo Tòa án cấp trên để có ý kiến giải quyết triệt để. Các quận, huyện, thị xã phải thực hiện hòa giải và giải quyết tranh chấp đất đai theo quy định của pháp luật để làm căn cứ xét công nhận quyền sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận; đồng thời tổ chức thanh tra, xử phạt đối với các trường hợp không kê khai đăng ký đất đai.

Đối với các trường hợp đã ký cấp giấy chứng nhận nhưng chưa trao cho người sử dụng đất, UBND thành phố cần chỉ đạo UBND các quận, huyện, thị xã phối hợp với Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai Hà Nội kiểm tra, rà soát, giải quyết dứt điểm.

Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đề xuất UBND thành phố có văn bản kiến nghị với Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho phép UBND cấp xã xác nhận các giấy tờ chứng minh nghĩa vụ tài chính không đúng mẫu quy định đã được các cơ quan, tổ chức cấp tại thời điểm thu tiền được quy định tại Thông tư số 37/2014/TT-BTNMT.

Theo Báo Tin Tức

 
0917602020
GỌI ĐIỆN

GỬI THÔNG TIN THÀNH CÔNG


Chúng tôi sẽ liên hệ lại trong thời gian sớm nhất !

GỬI THÔNG TIN THÀNH CÔNG


Chúng tôi sẽ liên hệ lại trong thời gian sớm nhất !