Ngân hàng thắt chặt dần dòng vốn vào bất động sản


13-03-2017 15:09

Kể từ cuối năm 2016, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành văn bản 7586, yêu cầu các ngân hàng kiểm soát chặt chẽ tốc độ tăng cho vay đối với bất động sản, rà soát việc cấp tín dụng cho một số chủ đầu tư lớn...

Trên thực tế thì ngay từ khi chưa có văn bản trên, các Ngân hàng cũng đã chủ động điều chỉnh. Năm 2014 tín dụng bất động sản chiếm 14% tổng cho vay, đến năm 2015 giảm xuống còn 12,3% và đến cuối năm 2016 chỉ còn 10%.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước còn ban hành quy định về tỉ lệ sử dụng vốn ngắn hạn để cho vay dài hạn. Hiện tại tỉ lệ này đã chạm ngưỡng quy định đang gây sức ép đến nguồn vốn vào thị trường bất động sản (chủ yếu vay vốn dài hạn).

Theo thông tin từ ông Nguyễn Hoàng Minh, phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Tp.HCM, tỉ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn của nhiều Ngân hàng hiện gần chạm mức trần cho phép là 50%.

Việc Ngân hàng siết chặt dòng vốn vào bất động sản có thể tác động đến các chủ dự án, đặc biệt là phân khúc nhà ở cao cấp. Ảnh minh họa

Ông Minh, cho rằng dù chưa có Ngân hàng nào vi phạm tỉ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn nhưng muốn để mở rộng cho vay trung dài hạn, trong đó có cho vay bất động sản, các Ngân hàng chỉ có cách là đẩy mạnh huy động vốn trung dài hạn, nếu không phải thu nợ cũ.

Trong bối cảnh ngày càng chịu áp lực về vốn, các nhà đầu tư và chủ dự án đang có khả năng phải giảm giá để thu vốn về. Lãnh đạo một Ngân hàng có trụ sở tại quận 3, Tp.HCM nhìn nhận khi vốn vào bất động sản cạn dần, nhóm chịu tác động sẽ là các nhà đầu tư mua đi bán lại và các chủ dự án, đặc biệt ở phân khúc bất động sản cao cấp.

Còn theo Tổng giám đốc một Ngân hàng cổ phần có trụ sở tại quận 1, với các điều tiết vốn cho bất động sản như trên, những dự án bất động sản mới triển khai, chưa được Ngân hàng cam kết vốn chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng bởi Ngân hàng khó có thể cho vay thêm nhiều. Thực tế, hầu hết các Ngân hàng hiện đã chạm trần tỉ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn.

“Như Ngân hàng của chúng tôi tỉ lệ này đã ở mức 47%, ngấp nghé đụng trần nên đang phải thúc đẩy huy động vốn trung dài hạn cũng như lên kế hoạch tăng vốn trong năm nay. Bởi sang năm 2018 tới, tỉ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn sẽ tiếp tục giảm thêm 10% nữa, về mức 40%”, vị tổng giám đốc này khẳng định.

Không chỉ các chủ đầu tư, doanh nghiệp tạo lập dự án mà người mua nhà cũng sẽ bị tác động. Do các Ngân hàng phải tăng lãi suất huy động tiền các kỳ hạn dài nên có thể người mua nhà sẽ phải trả lãi suất lên đến 12%/năm, thậm chí còn cao hơn nữa. Các chuyên gia đánh giá, đây sẽ là gánh nặng cho người mua nhà và khiến họ phải cân nhắc hơn khi vay vốn.

Tuy vậy, theo đánh giá của chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu thì việc siết dòng vốn vào bất động sản của Ngân hàng Nhà nước là hợp lý vì tín dụng thời gian qua đã tăng quá nóng, nếu không kịp thời điều chỉnh sẽ dễ dẫn đến bong bóng bất động sản.

Theo Tuổi trẻ online

 
0917602020
GỌI ĐIỆN

GỬI THÔNG TIN THÀNH CÔNG


Chúng tôi sẽ liên hệ lại trong thời gian sớm nhất !

GỬI THÔNG TIN THÀNH CÔNG


Chúng tôi sẽ liên hệ lại trong thời gian sớm nhất !