Hai năm gần đây, thị trường văn phòng cho thuê nở rộ mô hình co-working. Chỉ sau thời gian ngắn xuất hiện, mô hình này trở thành lựa chọn phổ biến của các doanh nghiệp có quy mô nhỏ, các startup mới thành lập.
Trước 2014, nhà riêng hoặc căn hộ chung cư là lựa chọn thuê làm văn phòng của các công ty có quy mô nhỏ hoặc các doanh nghiệp mới thành lập. Ưu điểm của loại hình này so với các tòa nhà văn phòng là giá thuê rẻ hơn. Với số tiền 10-15 triệu đồng/tháng, khách có thể thuê một căn hộ chung cư để kinh doanh với diện tích từ 80-100m2 hoặc nhà riêng có diện tích 40m2x4 tầng trong các ngõ rộng. Mức giá này rẻ hơn 1/3 đến 1/2 so với việc thuê 1 sàn có diện tích tương đương ở các tòa nhà văn phòng hạng C. Ngoài ra, căn hộ chung cư, đặc biệt là nhà riêng có lợi thế ở sự độc lập của không gian, không bị ràng buộc bởi các quy định của tòa nhà văn phòng.
Một góc không gian của UP co-working ở Lương Yên
Tuy nhiên, từ 2015 trở lại đây, nhà riêng và căn hộ chung cư dần thất thế trên thị trường văn phòng trước sự bùng nổ của mô hình co-working. Văn phòng co-working (dịch sang tiếng Việt là không gian làm việc chung) hướng đến 2 đối tượng: các công ty có quy mô nhỏ và những người làm việc tự do. Co-working gồm văn phòng trọn gói và mô hình thuê chỗ ngồi với những startup mới khởi nghiệp, những người lao động tự do.
Anh Hoàng Minh Long, môi giới văn phòng khu vực Cầu Giấy cho biết: “Khoảng 2 năm gần đây, nhà riêng hay căn hộ chung cư không còn nằm trong điểm ngắm của các doanh nghiệp nhỏ. Việc Luật Nhà ở cấm kinh doanh tại căn hộ chung cư có hiệu lực từ 10/6/2016 cũng tạo nguồn cầu lớn cho phân khúc co-working. 90% khách hàng là các doanh nghiệp nhỏ khi gọi điện nhờ tư vấn, giới thiệu đều hỏi tôi về co-working”.
Ba năm trước, Hà Nội và Tp.HCM chỉ xuất hiện một vài co-working có diện tích nhỏ, ngang quy mô quán cà phê, do một số nhà đầu tư nhỏ lẻ đổ vốn kinh doanh thì trong vòng hai năm nay, hàng chục văn phòng co-working có quy mô lớn với diện tích lên tới 1.000 m2, được tích hợp trong các tòa văn phòng cao tầng với đầy đủ các tiện ích và dịch vụ đã xuất hiện ở hai đô thị trên. Co-working không chỉ thu hút các cá nhân nhỏ lẻ đầu tư mà còn là sự vào cuộc rầm rộ của nhiều doanh nghiệp.
Một số cái tên tiêu biểu có thể kể đến như Hatch! Nest, iHouse, Deska, HanoiHub, Clickspace, Nest by AIA…(Hà Nội); Dreamplex, Start Saigon, Saigon Coworking, Work Saigon, Funwork… (Tp.HCM). Nhiều thương hiệu coworking đã được phát triển theo chuỗi như Dreamplex, Up Coworking, Toong, HanoiHub. Ngay trong tháng 10/2017, Hà Nội đón thêm 2 co-working mới là KiCoworking với tổng diện tích hơn 1.400m2 và UP@VPBank với diện tích 940m2.
So với hình thức thuê văn phòng truyền thống hay chung cư, nhà riêng, điểm nổi bật của mô hình không gian làm việc chung chính là chi phí. Thay vì phải đóng một khoản tiền thuê lớn theo quý, theo năm cộng thêm chi phí dịch vụ… hàng tháng, người thuê chỉ cần bỏ ra 1 khoản tiền trọn gói đã bao gồm điện, nước, internet, lễ tân, văn phòng phẩm, trà và cà phê, phí gửi xe… Người thuê tùy theo nhu cầu có thể lựa chọn các gói thanh toán theo ngày, tháng hoặc năm.
Những công ty có quy mô nhỏ, tùy số lượng người, tùy diện tích có thể thuê văn phòng trọn gói với mức giá từ 6-15 triệu đồng/tháng. Đối với các cá nhân, mức giá thấp nhất vào khoảng 100.000đồng/người/ngày, 1,5-2 triệu đồng/người/tháng. Đây là chi phí khá phù hợp với những người mới khởi nghiệp hay có nhu cầu di chuyển nhiều. Những ưu điểm trên của co-working khiến phân khúc này hấp lực mạnh nhu cầu của khách thuê.
Khảo sát cho thấy, dù chỉ mới ra mắt, các coworking này đều được các doanh nghiệp có quy mô nhỏ, các start up, những bạn trẻ làm việc tự do săn đón với tỉ lệ lấp đầy luôn trên 80%. Hơn 90% người sử dụng văn phòng coworking là dưới 35 tuổi.
Theo bà Hoàng Diệu Trang, quản lý cấp cao Bộ phận Tư vấn cho thuê Thương mại Savills Hà Nội thì sự bùng nổ của mô hình co-working tại Việt Nam thời gian qua là do những biến động của nền kinh tế và những thay đổi trong cách thức làm việc của con người.“Suy thoái kinh tế luôn thúc đẩy xu hướng khởi nghiệp, dẫn đến sự bùng nổ doanh nghiệp vừa và nhỏ, tạo nên văn hóa khởi nghiệp. Bên cạnh đó, cách thức làm việc trong xã hội hiện nay đề cao và theo đuổi 2 tiêu chí là sáng tạo và linh hoạt. Những tiêu chí này phù hợp với mô hình văn phòng co-working”, bà Trang nhấn mạnh.
Theo Tổng cục Thống kê, doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm đa số doanh nghiệp thành lập ở Việt Nam (chiếm 97% trong suốt 15 năm) và sử dụng khoảng 50% lực lượng lao động. Trong 7 tháng đầu năm 2017, số doanh nghiệp được thành lập là 72.953, tăng 13,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là nguồn cầu khổng lồ của phân khúc co-working.
Sức hút của co-working với người trẻ không chỉ ở sự linh hoạt, đa dạng trong mô hình, phù hợp với chi phí và xu hướng làm việc mới mà quan trọng hơn với khách thuê, những không gian làm việc này thực sự là một cộng đồng, có chức năng lớn trong việc mở rộng mối quan hệ, nắm bắt được xu hướng của những ngành nghề khác và tìm kiếm đối tác. Đặc biệt, các doanh nghiệp trẻ, các start-up thuê không gian làm việc tại co-working có cơ hội tiếp cận các quỹ đầu tư lớn – những quỹ thường có sự liên hệ, kết nối với co-working space.
Bà Bùi Cẩm Vân, Giám đốc vận hành của Up Coworking Space nhận định: “Trong tương lai, khi số lượng doanh nghiệp mới thành lập tiếp tục tăng trưởng mạnh, đi cùng với làn sóng khởi nghiệp bùng nổ mạnh mẽ, mô hình co-working sẽ ngày càng mở rộng tại Việt Nam. Đối với các doanh nghiệp này, tìm kiếm một không gian làm việc tối ưu trở thành nhu cầu cấp thiết. Do đó, các không gian truyền thống sẽ không còn phù hợp và dần được thay thế bằng co-working”.
(Theo Enternews.vn)
Chúng tôi sẽ liên hệ lại trong thời gian sớm nhất !
Chúng tôi sẽ liên hệ lại trong thời gian sớm nhất !